Kiến thức Hán Nôm là chìa khóa quan trọng để nối kết truyền thống văn hóa dân tộc với con người hiện tại. Hiểu được văn hóa truyền thống và di sản truyền thống, qua đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết để xây dựng xã hội hiện tại. Đó là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

131 1001
TS Đinh Thanh Hiếu giảng đọc câu đối cho sinh viên ngành Hán Nôm tại Nhà Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2022.

Di sản Hán Nôm – sự hiện diện của truyền thống nghìn năm văn hiến

Di sản Hán Nôm là “minh chứng” cho truyền thống Việt Nam nghìn năm văn hiến. Hai chữ Hán Nôm gợi rõ thực thể di sản thành văn của dân tộc, là một bộ phận trọng yếu của ngành văn hiến cổ điển Việt Nam. Từ khi Việt Nam bước vào tiến trình hiện đại hóa đầu thế kỷ XX, chữ Hán, chữ Nôm không còn được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Thư tịch Hán Nôm – di sản văn hiến Việt Nam của cha ông không còn được số đông cháu con hiện đại đọc hiểu. Điều này gây nên nguy cơ đứt đoạn về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại…

Hán Nôm có tầm quan trọng trong xã hội hiện tại, nó giúp người hiện đại gìn giữ và minh giải các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại từ quá khứ. Chữ Hán đóng vai trò như một văn tự quan phương ở Việt Nam trong cả thiên niên kỷ. Phần lớn tri thức truyền thống trong tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và nhân văn trong khu vực đồng văn Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) đều được biểu đạt qua văn tự này. Riêng Việt Nam, ngoài chữ Hán còn sử dụng thêm chữ Nôm. Khi Việt Nam chuyển sang hệ hình văn hóa hiện đại và sử dụng chữ Quốc ngữ, một loại hình văn tự khác thì dẫn đến sự đứt gãy về văn hóa, sự cách bức về nền tảng tri thức, văn hóa, học vấn… Do vậy, nghiên cứu về di sản Hán Nôm thực chất chính là cửa ngõ để tiếp cận với mạch nguồn văn hóa truyền thống của tổ tiên.

132 7229
Sinh viên ngành Hán Nôm dập bia tại động Hồ Công, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa năm 2015

Hán Nôm và truyền thống của một ngành học

Ngành Hán Nôm là một trong những ngành đào tạo có bề dày truyền thống của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.

Ngành đào tạo Hán Nôm của nền đại học Việt Nam đã được thành lập ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, nhằm đào tạo đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm bậc đại học. Đó là sự quan tâm đặc biệt và thể hiện tầm nhìn xa rộng của Đảng và Nhà nước, cho triển khai đào tạo một ngành cổ học ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, vì tương lai lâu dài của văn hóa và học thuật nước nhà, để tương lai không bị gián đoạn với mạch nguồn nghìn năm văn hiến của tổ tiên.

Từ khi được thành lập cho đến nay, ngành Hán Nôm đã qua tròn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ và sứ mệnh của ngành Hán Nôm là đào tạo ra đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, vừa nắm vững các phương pháp nghiên cứu Hán Nôm chuyên ngành và liên ngành hiện đại; có khả năng khai thác và giới thiệu các giá trị của văn hóa truyền thống, trực tiếp góp phần bảo đảm sự liên tục về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại. Sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội hiện nay là một trong những lực lượng chủ đạo làm công tác Hán Nôm trong cả nước ở thời điểm hiện tại. Các thế hệ tốt nghiệp ngành Hán Nôm đến nay nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, đã có những công trình nghiên cứu xuất sắc về Hán Nôm và văn hóa Việt Nam truyền thống, nhiều người đã và đang đảm nhận những trọng trách ở các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.

Hiện nay, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội là một cơ sở đào tạo ngành Hán Nôm có uy tín trong toàn quốc, đào tạo ngành Hán Nôm ở cả ba cấp Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, có sứ mệnh tiên phong trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức Hán Nôm cho các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, bảo tồn di sản truyền thống và quản lý văn hóa… Đồng thời, ngành Hán Nôm còn đi đầu trong việc khai thác, nghiên cứu, công bố di sản Hán Nôm và các vấn đề khác liên quan tới Hán Nôm. Đó là niềm tự hào và cũng là trọng trách của cơ sở đào tạo.

Ngành Hán Nôm – những triển vọng và thách thức trong đào tạo

Nhìn từ góc độ đào tạo, công việc nghiên cứu và khai thác các giá trị văn hóa Việt Nam từ di sản Hán Nôm đòi hỏi những người học được tuyển vào nếu muốn phát triển tốt chuyên môn thì phải có những tố chất tương đối đặc thù, thích hợp, trong khi tuyển sinh chỉ có thể theo mặt bằng chung. Về nền tảng tri thức Hán Nôm, khi sinh viên được tuyển vào gần như là “tờ giấy trắng”, mới bắt đầu học từng chữ Hán, chữ Nôm. Sau bốn năm đào tạo bậc đại học, để đạt được chuẩn đầu ra như yêu cầu hiện tại là một thách thức và cần sự cố gắng, đầu tư không nhỏ. Những người tốt nghiệp Hán Nôm nếu làm đúng chuyên ngành thì chủ yếu sẽ là được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước. Thực tế chỉ tiêu nhân sự hạn hẹp của các cơ quan Nhà nước hiện tại là khó khăn cho đầu ra của ngành. Nhiều sinh viên giỏi có triển vọng chuyên môn tốt nhưng khi ra trường không có chỗ sử dụng thích hợp, buộc phải tự thích ứng chuyển sang các lĩnh vực nghề nghiệp khác, hoặc chỉ có liên quan nhất định với chuyên môn, làm cho “triển vọng” khó thành tựu được. Đa số sinh viên ngành Hán Nôm có học thêm văn bằng hai tiếng Trung Quốc, để rộng cửa sẵn sàng thích ứng với đa dạng công việc hơn sau khi ra trường.

Trong tương lai, với cơ chế tự chủ đại học, những ngành có số chỉ tiêu tuyển sinh thấp như ngành Hán Nôm sẽ có nhiều khó khăn, thách thức để duy trì, tồn tại. Khi đó, những ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có ngành Hán Nôm rất cần phải được sự bảo đảm đầu tư, “đặt hàng” từ Nhà nước. Vì vậy, ngành cần sự đầu tư, bảo đảm từ Nhà nước một cách lâu dài.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của ngành, nhất là 10 năm hiện tại, những thành tựu của ngành là rất đáng ghi nhận, rất đỗi tự hào và có cơ sở để tin tưởng vào triển vọng của ngành trong tương lai. Nhưng cũng cần nhận thấy những bất cập và những thách thức của ngành trong bối cảnh và điều kiện mới, để không ngừng khắc phục và phấn đấu, tiếp nối xây dựng ngành Hán Nôm cho xứng đáng với sự tin cậy của xã hội và công lao triệu bồi của các thế hệ tiền bối.

Theo: TS Đinh Thanh Hiếu
Link bài viết trên Báo Nhân dân: https://nhandan.vn/hoc-han-nom-de-ket-noi-truyen-thong-va-hien-dai-post723722.html